Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa biểu tượng
Bao Chửng 包拯
dt. Bao Thanh Thiên (999 -1062), người Hợp Phì 合肥, Lô Châu 廬州, đời Tống (nay thuộc huyện An Huy 安徽), tự là hi nhân 希仁, tiến sĩ triều thiên thánh 天聖. Nhậm các chức tam ti hộ bộ phó sứ, sau lần lượt cải nhậm sang tri gián viện tri khai phong phủ, quyền ngự sử trung thừa, tam ti sứ…, ông nhiều lần luận tội quyền thần, phá nhiều án lớn. Năm gia dụ thứ sáu (1061), nhậm chức khu mật phó sứ, rồi mất vào năm sau, thuỵ hiệu là hiếu túc 孝肅. Bao Chửng làm quan đoán ngục rất sáng suốt, lại thêm tính cương trực, được coi là biểu tượng của hiền thần chính nghĩa. Ở đài các, chử lòng Bao Chửng, nhậm tướng khanh, thìn thói Nguỵ Trưng. (Bảo kính 188.5).
bĩ thái 否泰
dt. tên hai quẻ trong Kinh Dịch, trời đất giao hoà, muôn vật hanh thông thì gọi là thái 泰, ngược lại bế tắc không giao hoà thì gọi là bĩ 否, hai quẻ biểu tượng cho sự đối lập tốt - xấu, thịnh - suy, bế tắc - hanh thông. Phan Nhạc đời Tấn trong tây chinh phú có câu: “há địa thế lúc an nguy, thực việc đời khi bĩ thái” (豈地勢之安危,信人事之否泰 khởi địa thế chi an nguy, tín nhân sự chi bĩ thái). Cho hay bĩ thái mấy lề cũ, nẻo có nghèo thì có an. (Bảo kính 144.7).
Chu 周
dt. <Nho> tức Chu Công 周公 tên là Cơ Đán 姬旦, là con của Chu Văn Vương 周文王, là em của chu Vũ Vương, từng giúp Vũ Vương triệu tạo nhà Chu, và từng phụ chính cho Chu Thành Vương sau này. Ông là bậc trọng thần thời Chu sơ, là thuỷ tổ của nước Lỗ. Chế độ lễ nhạc nhà Chu là đều do ông chế định, ông là biểu tượng cho lễ giáo tư văn thời cổ, là người Khổng Tử ngưỡng vọng hay mơ đến. Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào, Hứa, Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng, Chu. (Ngôn chí 15.4).
chín chuyển hồng 𠃩轉紅
đgt. <Đạo> phép luyện cửu chuyển linh đơn 九轉靈丹 của đạo gia, nấu các hợp chất chín lần thì sẽ chuyển thành thuốc trường sinh màu hồng. Đây là hình ảnh thơ song quan, vừa ví von màu mào hạc đỏ tựa đan sa, lại vừa hàm ý màu mào ấy là biểu tượng của sự trường thọ. Đỉnh nhuốm đan sa chín chuyển hồng. (Dương 248.6).
chống cày 𢶢𦓿
◎ Phiên khác: gióng (PL).
đgt. <Nho> dịch cụm thực trượng 植杖, sách vân 策耘. Luận Ngữ thiên Vi tử có đoạn: “Người ẩn sĩ chống gậy làm cỏ” (隱者荷條丈人植其杖而耘). Đào Uyên Minh trong Quy Khứ Lai Từ có câu thơ: Ngày ngày lén bước tiêu dao, khi ra thực trượng khi vào vân nông (Phạm đình toái ). “chống cày” được coi như là một biểu tượng cho cuộc sống tự trồng trọt (tạc tỉnh canh điền) nuôi thân của các ẩn sĩ. Cày chống tuyết. (Ngôn chí 13.5)‖ Khuở chống một cày. (Mạn thuật 28.1).
Cô Dịch 姑射
dt. tên núi tại huyện Lân Phân tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Sách Trang Tử thiên Tiêu diêu du có đoạn: “thấy núi Cô Dịch có thần nhân ở đó, da như băng tuyết, yểu điệu như gái chưa chồng, không ăn ngũ cốc, hớp gió uống sương. Cưỡi khí mây, ngồi rồng lượn mà chơi ngoài bốn bể. Khi thần khí tụ lại khiến muôn vật không bị bệnh tật mà mùa màng bội thu.” (藐姑射之山,有神人居焉,肌膚若冰雪,淖約若處子,不食五穀,吸風飲露。乘雲氣,御飛龍,而遊乎四海之外。其神凝,使物不疵癘而年穀熟). Thơ văn đời sau thường lấy Cô Dịch làm biểu tượng cho người đẹp có phẩm cách cao khiết hay trỏ chung cho thần tiên. Vương Chu đời Ngũ Đại trong bài Đại thạch linh dịch mai hoa có câu: “Cõi tiên Cô Dịch đón Dao Cơ, hoá trận thanh hương ấp ngả mờ.” (仙中姑射接瑤姬,成陣清香擁路岐 tiên trung Cô Dịch tiếp Dao Cơ, thành trận thanh hương dụng lộ kỳ). Tô Thức có câu: “Bên bờ biển gặp nàng Cô Dịch, khẽ nghiêng chào miệng chúm chím hoa.” (海邊逢姑射,一笑微俯首). Cách song mai tỉnh hồn Cô Dịch, kề nước cầm đưa tiếng cửu cao. (Mạn thuật 35.3)‖ (Mai 214.3)‖ (Lão mai 215.3).
cúc 菊
◎ Ss đối ứng kuk³ (28 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 203].
dt. hoa quân tử, biểu tượng cho ẩn sĩ. Phần du lịu điệu thương quê cũ, tùng cúc bù trì nhớ việc hằng. (Ngôn chí 16.6, 17.5, 22.4)‖ Cúc Uyên Minh. (Mạn thuật 31.6)‖ (Thuật hứng 48.2)‖ Bạc cúc. (Thuật hứng 49.8, 50.2, 52.5, 60.5)‖ (Tự thán 71.3, 75.3, 83.4)‖ (Tự thuật 115.3)‖ (Bảo kính 129.4, 157.6, 164.3)‖ (Quy Côn Sơn 189.4).
hùm nằm chực 𤞻𦣰直
đc. hổ nằm phủ phục bên cạnh. Chường thiền định, hùm nằm chực, trái thì trai, vượn nhọc đam. (Thuật hứng 64.3), trong rừng thiền, người tu hành đắc đạo nắm được lẽ màu, có thể cảm hoá được muông thú. Nguyễn Trãi trong bài Du nam hoa tự có câu: “hàng long phục hổ cơ màu huyền diệu sao?” (降龍伏虎機何妙 hàng long phục hổ cơ hà diệu) [ĐDA 1976: 745]. Nguyên từ điển ngữ hàng long phục hổ (khiến rồng hổ đều phải hàng phục). Phật giáo và Đạo giáo đều có điển này. Sách Bão Phác Tử ghi: “Đạo sĩ triệu bính dùng hơi mà ngăn người, người chẳng thể đứng dậy, ngăn hổ, hổ gục xuống đất, gằm đầu nhắm mắt, liền trói được hổ.” (道士趙炳 ,以氣禁人,人不能起。禁虎,虎伏地,低頭閉目,便可執縛). Đạo Tuyên trong Tục Cao Tăng Truyện phần Tập thiền truyện tăng trù có đoạn: “sư nghe thấy hai hổ đánh nhau, thét gầm chuyển núi, bèn dùng tích trượng đánh giải, hai hổ chạy mất” (聞两虎交鬭,咆响振巖, 乃以錫杖中解,各散而去). Đạt ma đa la (dharmatrāta) một a la hán thần thông tự tại, thường du hoá trong nhân gian, giảng kinh thuyết pháp, gặp tai nạn liền ra tay cứu giúp. Tôn giả đã ba lần thu phục một con hổ dữ đem nó về núi cho tu, đi đâu thì dẫn theo, nên được xưng danh là la hán phục hổ, cùng với la hán hàng long là hai vị được đưa thêm vào danh sách thập lục la hán để trở thành biểu tượng của sự cảm hoá bằng trí tuệ và đạo pháp.
hải đường 海棠
dt. loại thực vật lá hình trứng, sắc hoa hồng hoặc bạch. Là loại hoa biểu tượng cho sự phú quý. Một thân hoà tốt lại sang, phú quý âu chăng kém hải đường. (Hoa mẫu đơn 233.2).
lan 蘭
dt. hoa lan, biểu tượng của người quân tử ẩn dật. Hoa lan là loài thích mọc nơi hẻo lánh, đẹp đẽ mà sâu kín. Hoa được ví với tư chất, đạo đức của người quân tử. Khuất Nguyên (390- 278 tcn) là người đầu tiên xây dựng biểu tượng hoa lan. Hoa lan- cỏ thơm và mỹ nhân là ba biểu tượng về con người quân tử xuất hiện rất nhiều trong thơ ông: Ăn hoa rụng bên nhành thu cúc, uống sương sa dưới gốc mộc lan (ly ). Đến khi không được vua tin dùng, ông viết: cỏ lan thơm ngát chê bai chẳng dùng. Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) trong lan xã khế phả (1795) ghi: “Hoa lan là loài quốc hương, ẩn trong hang tối người ta vẫn biết. Đáng yêu tựa giai nhân, đẹp nhưng biết giấu kín vẻ diễm lệ của mình. Đáng cắm với bình vàng. Quân tử vui lòng đeo ở trước ngực. Hoa là chí nhàn dật của tao nhân. Lan ơi, lan ơi! mi chẳng phải là chúa tể của các mùi hương sao! phu tử ta bởi vậy mà vặn đàn ca hát, thú thành thị lâm tuyền đâu kén được ở lan” (thế kỷ anh dịch). (Ngôn chí 17.6)‖ (Thuật hứng 48.2, 52.5, 60.5)‖ (Tự thuật 117.1)‖ (Cúc 216.7)‖ Lan huệ chẳng thơm thì chớ, nữa chi lại phải chốn tanh tao. (Bảo kính 167.7)
liễu 柳
dt. cây thân gỗ, cành lả, lá dài, thường được dùng làm biểu tượng cho mùa xuân và người đẹp (Bảo kính 157.3)‖ (Tảo xuân 193.3)‖ (Tích cảnh thi 200.2, 206.1)‖ (Trúc thi 221.1)‖ Nội hoa táp táp vây đòi hỏi, doanh liễu khoan khoan kháo lữa lần. (Điệp trận 250.4)‖ (Thái cầu 253.5).
na 難
dt. na là nghi thức xua đuổi các loài quỷ mang bệnh đến. Đây là một tập tục cổ được thực hiện lúc giao thừa. ở Trung Quốc, nghệ thuật diễn xướng dân gian có na vũ 儺舞 là loại múa đuổi tà dịch, cũng có na hý 儺戲 trò vui đuổi quỷ dịch; trong đó người diễn đều đeo mặt nạ gỗ và diễn lại tích truyện mời thần xua tà, ban phúc. Vị thần xua tà, trừ diệt tật bệnh ấy được gọi là na thần 儺神. Trong buổi lễ na, người thời cổ thường chặt tre vầu tươi, đốt lên để các đốt tre phát ra những tiếng nổ lớn. Lửa và tiếng nổ là biểu tượng quyền lực của thần na, khiến các loài quỷ đều phải sợ. Sau này, người ta mới thay thế bằng pháo thuốc. khua na: là cách đọc cổ của khu na. Sở dĩ đọc âm xua mà không đọc âm khua vì từ khua trong tiếng Việt đã có nét nghĩa khác. Chong đèn chực tuổi cay con mắt, đốt trúc khua na đắng lỗ tai. (Trừ tịch 194.6). x. đốt trúc, x. chong đèn đợi tuổi.
ngô đồng 梧桐
dt. loại cây thân gỗ rụng lá vào thu, hoa đơn tính màu vàng xanh, chất gỗ nhẹ nhưng chắc bền, chuyên dùng làm nhạc khí, như cổ cầm, đàn nguyệt. Hạt có thể ăn, cũng có thể ép lấy dầu. Cây ngô đồng thường được coi là biểu tượng của mùa thu. Mấy người ngày nọ thi đỗ, lá ngô đồng khuở mạt thu. (Ngôn chí 3.8).
nhà cả 茹奇
dt. HVVT dịch chữ đại trạch 大宅, nghĩa là “trời đất, kiền khôn, vũ trụ” [Từ Nguyên: 0358]. Sách hậu Hán Thư phần Phùng diễn liệt truyện: “thần khí chơi khắp vũ trụ chừ” (游精神於大宅兮). Đống lương tài có mấy bằng mày, nhà cả đòi phen chống khoẻ thay. (Tùng 219.2). Trong bài thơ, rõ ràng là cả đống lương (phẩm chất kẻ trượng phu) và nhà cả đều được dùng với nghĩa bóng. Không có chuyện gỗ tùng có thể chống nhà lớn. Vì nếu đã làm cột thì lấy đâu cội rễ bền, còn dâu “nhuốm tuyết sương”. Tác giả đem đến cho ta một hình ảnh tùng trực diện giữa trời đất thiên nhiên và một biểu tượng về đại trượng phu tùng trong ngầm ý so sánh với chính phẩm cách mình, tâm trạng mình [NH Vĩ 2005: 34].
phú quý 富貴
dt. tt. giàu sang. (Ngôn chí 22.7)‖ (Mạn thuật 24.3)‖ Được thua phú quý dầu thiên mệnh, chen chúc làm chi cho nhọc nhằn. (Mạn thuật 27.7)‖ (Thuật hứng 59.4, 63.1)‖ (Tự thán 73.3, 83.1)‖ (Tức sự 124.1)‖ (Bảo kính 129.2, 133.1, 139.3, 140.1, 144.6, 178.2, 187.1).
tt. (biểu tượng của) giàu sang. Một thân hoà tốt lại sang, phú quý âu chăng kém hải đường. (Hoa mẫu đơn 233.2), dịch từ câu mẫu đơn hoa cho phú quý giả dã 牡丹花之富貴者也 (mẫu đơn là kẻ phú quý trong các loài hoa) trong bài Ái liên thuyết của Chu Đôn Di.
phần du 枌榆
dt. cây phần du, Bùi Văn Nguyên cho đó là cây bông bưởi, nghĩa bóng chỉ làng xóm, quê nhà. Đời xưa mới lập nên một làng nào đều trồng một thứ cây thổ ngơi để làm ghi. Phía đông ấp phong nhà Hán có làng phần du, làng vua hán cao tổ, đời sau nhân thế gọi làng mình là phần du, cũng như nghĩa chữ tang tử (Đặng Thế Kiệt). Lịch Đạo Nguyên đời Bắc Nguỵ trong Thuỷ kinh chú ghi: “Cao tổ làm vua ở quan trung, thái thượng hoàng muốn về đông, cho nên tạo nên biểu tượng quê cũ, hễ cứ lập ấp lập thành mới đều phải trồng cây phần du, lệnh các nhai đình đều phải như vậy” (高祖王關中,太上皇思東歸,故象舊里,制兹新邑,立城邑,树枌榆,令街庭若一). Phần du lịu điệu thương quê cũ, tùng cúc bù trì nhớ việc hằng. (Ngôn chí 16.5).
Quy Côn Sơn trùng cửu ngẫu tác 歸崑山重九偶作
dt. tên bài số 189, nghĩa là ngẫu nhiên ứng tác bài thơ khi về Côn Sơn vào ngày tết trùng dương mùng 9 tháng 9. Côn Sơn là một không gian địa lý đặc biệt với Nguyễn Trãi. Nơi đây là trang ấp của Trần Nguyên Đán- ông ngoại của nhà thơ. Từ bé Nguyễn Trãi đã sống với ông ngoại, và sau 1428, đây cũng là nơi chốn đi về của Nguyễn Trãi. Côn Sơn không chỉ là miền ẩn cư mà là chốn quê nhà, cao hơn Côn Sơn là một biểu tượng tinh thần trong tâm tưởng của nhà thơ, là nơi chốn an lành để ông về khi mỗi lần vấp ngã trên chốn quan trường, là bến đỗ cuối cùng của một tâm hồn luôn bị giằng xé giữa lý tưởng và hiện thực.
quê 圭
◎ Nôm: 圭 AHV: khuê, âm phiên thiết “quê” (涓畦切) [Tập Vận, vận hội], nghĩa “vùng đất”. Đây là chữ hội ý {thổ + thổ}, xuất phát từ tục phân phong thời xưa, chữ 封 nguyên nghĩa là “mảnh đất của vua chư hầu, gồm hai chữ thổ (圭) và bộ thốn” (封,爵諸侯之土也。从之从土从寸) [Thuyết Văn giải tự; weiger 1915: 210], mà thốn chỉ là dạng khải hoá của bộ thủ (cái tay, trỏ sự sở hữu), sau 封 mới cho nghĩa là ranh giới lãnh thổ. Mặt khác, bản thân chữ “phong” còn có nghĩa là “vua chư hầu cầm ngọc khuê (biểu tượng của vùng đất mình cai quản) vào chầu thiên tử”. Chữ 圭 (hoặc 珪) từ đó mới chuyên dùng để trỏ loại ngọc này, còn nghĩa gốc “đất đai” được chuyển sang dùng tự dạng mới là “畦” [An Chi 2006: 311-312]. Âm HTC của 圭 là: kʷe (Baxter), kʷee (Phan Ngộ Vân). Chữ 貫 (quán) vốn nghĩa là “chuỗi tiền xâu” sau được dùng giả tá để ghi “vùng đất cha ông đã sống” (nguyên quán), mà hình thái ngữ âm quãng thời Tần về sau là *kwel hoặc *kwen, tiếng Việt còn bảo lưu âm “quèn”, như thành quèn (cổ hiền) là thực ấp của Đỗ Cảnh Thạc. Ss đối ứng: *kuel [NT Cẩn 1997: 311]. Chung âm -l cho phép truy nguyên đến thời Proto Việt-Chứt [NT Cẩn 1997: 208- 210; An Chi 2006 t4: 314]. Ss đối ứng kwel, kwe (11 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 259]. Như vậy, “quê” là âm THV cổ xưa nhất (có khả năng trước đời Tần), “quèn” là âm THV thời Tần - Hán - Nam Bắc Triều. Còn “quán” là AHV từ đời Đường.
dt. quê quán. Phần du lịu điệu thương quê cũ, tùng cúc bù trì nhớ việc hằng. (Ngôn chí 16.5)‖ (Mạn thuật 33.1, 35.1)‖ (Thuật hứng 48.1, 50.2, 51.1, 59.1)‖ (Tự thán 71.7, 73.2, 77.5, 107.2, 109.2)‖ (Tự thuật 117.2)‖ (Bảo kính 135.4, 155.1, 158.2).
quỳ 葵
dt. <Nho> loài thảo mộc, nhành cao, nở hoa vàng khá lớn, hạt có thể ăn, hoặc ép lấy dầu. Hoa quỳ thường hướng theo mặt trời nên còn gọi là hướng nhật quỳ 向日葵. Dân gian thường gọi là hoa hướng dương, khi mọc dại thì cây thấp hơn và nhỏ hơn, được gọi là dã quỳ . Vì hướng mặt trời, nên hoa quỳ được coi là biểu tượng cho lòng trung thành của bề tôi, nên có chữ quỳ tâm 葵心. Người hiềm rằng cúc qua trùng cửu, kẻ hãy bằng quỳ hướng thái dương. (Tự thán 71.4).
tùng cúc 松菊
dt. cây tùng và cây cúc, hai cây biểu tượng cho khí tiết kẻ sĩ. Giang san bát ngát kìa quê cũ, tùng cúc bù trì ấy của hằng. (Tự thán 77.6), dịch câu Tùng cúc do tồn của Đào Uyên Minh.
tạc tỉnh canh điền 鑿井耕田
đgt. đc. đào giếng cày ruộng, công việc lao động, tự cung tự cấp của người ẩn sĩ. Sách Thiên Trung Ký ghi chuyện vua Nghiêu sau năm mươi năm trị nước, thịnh trị thái hoà, bèn mặc thường phục đi vi hành, gặp một ông lão ngoài chín mươi ngồi kích nhưỡng hát rằng “sáng ra thì làm, tối về thì nghỉ. Đào giếng mà uống, cày ruộng mà ăn. Đế lực có ảnh hưởng gì đến ta?”. (而日出而作日入而息鑿井而飲耕田而食帝力於我何有哉 nhật xuất nhi tác, nhật nhập nhi tức. Tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực. Đế lực ư ngã hà hữu tai?). Sách Liệt Tử trích đoạn vua Nghiêu lại thấy trẻ con hát lời đồng dao rằng: “rập dựng dân đen, chẳng ai trái luật. Không trí không xảo, thuận theo lẽ trời.” (立我蒸民莫匪爾極不識不知順帝之則 lập ngã chưng dân, mạc phi nhĩ cực, bất thức bất tri, thuận đế chi tắc). Nghiêu nghe thấy bài hát ấy xong, trở về cung, an tâm truyền ngôi lại cho thuấn. Mạnh Tử tập chú dẫn lời trình tử rằng: “Tạc tỉnh canh điền: đế lực có ảnh hưởng gì đến ta?” câu này ý nói noi theo cái lẽ tự nhiên của trời đất ấy là việc thực hiện chính sự của nhà vua.” (耕田鑿井,帝力何有於我?如天之自然,乃王者之政). Cao Thích trong bài Tống Dương Sơn Nhân quy Tung Dương viết: “Tạc tỉnh canh điển chớ vời ta, biết anh quyên thảy lệnh vua ra.” (鑿井耕田不我招,知君以此忘帝力。山人好去嵩陽路,惟餘眷眷長相憶 tạc tỉnh canh điền bất ngã chiêu, tri quân dĩ thử vong đế lực). Ruộng nhiều quê tổ năm ba thửa, tạc tỉnh canh điền tự tại nhèn. (Bảo kính 140.8). Tạc tỉnh canh điền vốn là biểu tượng cao nhất của xã hội thái hoà đời viễn cổ. Đó là một xã hội lý tưởng luôn nằm trong mộng tưởng của các nhà Nho. Lý tưởng ở chỗ các phép tắc chế trị đã nhất thể hoá với những quy luật của tự nhiên, và hoà làm một với cuộc sống của bách tính. Các nhà Nho ở ẩn đời sau đã lấy biểu tượng thái hoà thời viễn cổ (tạc tỉnh canh điền) này làm biểu tượng cho cuộc sống ẩn dật. ẩn dật không phải là một cuộc chạy trốn nhân thế mà là một hành vi chính trị, đứng ra ngoài môi trường hoạn hải bất trắc và phi tự nhiên kia để tự tạo cho mình một đời sống thái hoà lý tưởng, một ốc đảo hoà bình lý tưởng ít nhất đối với chính bản thân mình, đối lập với toàn bộ cuộc thế. Cuộc sống thái hoà lý tưởng ấy của các ẩn sĩ là một sự trải nghiệm từ trong tâm tưởng cho đến các hành vi nhật dụng sống động [TT Dương 2011c]. x. cày ăn đào uống.
Y Doãn 伊尹
dt. Đại thần thời đầu nhà Thương. Tên là Chí 摯, cũng gọi là Y Chí 伊摯. Doãn 尹 là chức quan. Trong giáp cốt văn Ân Khư, có lúc gọi tắt là Y. Đầu nhà Thương, vua Thang dùng ông làm Tiểu thần, sau giao làm quốc chính. Phụ tá thang phạt Kiệt diệt Hạ, dựng nên nhà Thương, giữ chức a hành hoặc Bảo hành. Sau khi Thang chết năm 1761 tcn, con là Thái Đinh chưa lập đã chết, ông lần lượt phò tá hai vua Bốc Bính tức là Ngoại Bính và Trọng Nhâm. Sau khi Trọng Nhâm chết, ông lại phụ lập Thái Giáp con của Thái Đinh. Y Doãn là nguyên lão phụ chính 4 triều vua dạy dỗ các vị vua trẻ rất cẩn thận. Ông nói với Thái Giáp: Bậc đế vương phải yêu dân, càng phải chăm chỉ học tập tinh thần trị nước của tổ phụ thang. ông còn lấy bài học của Hạ Kiệt mất nước để khuyên răn Thái Giáp. tuy nhiên, Thái Giáp từ nhỏ sống trong cảnh quyền quý, chỉ hưởng lạc mà không làm việc. Thái Giáp không nghe những lời dạy của Y Doãn, vẫn chơi bời phóng túng. Thấy Thái Giáp như vậy, Y Doãn đày vua đến cung đồng 桐 gần lăng miếu của thành thang và tự mình nắm quyền chính. Ông còn sai người đến giám sát Thái Giáp để vua suy nghĩ và tỉnh ngộ. Sau 3 năm, Thái Giáp hiểu ra sai lầm của mình, quyết tâm sửa chữa khuyết điểm. Khi thấy Thái Giáp biết tu tỉnh, Y Doãn đích thân đến đón rước vua về kinh đô và trao lại quyền hành cho Thái Giáp. Thái Giáp trở thành một vị vua giỏi của nhà Thương. Tương truyền Y Doãn sống hơn 100 tuổi mới mất. Công lao khai quốc và dìu dắt vua nhỏ đã khiến ông trở thành môt biểu tượng cho hiền thần trong quan niệm của nho sĩ đời sau: “thánh chi nhậm giả” (Mạnh Tử- vạn chương hạ). Đời Thương thánh biết cầu Y Doãn, nhà Hán ai ngờ được Tử Khanh. (Bảo kính 131.3).
đốt 焠
◎ Nôm: 炪 Âm phiên thiết: thủ nội (取內), AHV: thối, âm HTC: *sthuts (Baxter). Xét cấu trúc {火+卒}, thanh phù tốt. Như vậy, đốt là âm THV [Schneider 1995]. Văn cảnh: “Có người chán nằm bèn đốt tay, có thể gọi là tự nhẫn vậy” (有子惡臥而焠掌,可謂能自忍矣!) [Tuân Tử - Giải tế]. Như vậy, “đốt” gốc Hán, “nung”- “cháy” gốc Việt. Ss đối ứng toc, doc, tot, dot (30 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 216]. x. trui.
đgt. làm cho cháy. Bốn bể nhẫn còn mong đuốc đốt, Dầu về dầu ở mặc ta dầu. (Bảo kính 154.7). x. đuốc.
đgt. <từ cổ> phơi, đối dịch chữ bộc 曝. Chữ này thông với bộc 暴 trong tiểu triện gồm hình mặt trời ở trên, với chữ củng 廾 (hai cánh tay giơ lên), với chữ xuất 出 và bộ mễ 米 (thóc, gạo) trỏ việc mang thóc ra phơi nắng. Cơ- gió thổi mặt bờ- lời đốt < 風吹日曝 (Phật thuyết 20a3), tiếng Việt và tiếng Hán có từ bộc lộ 曝露, với nghĩa gốc là phơi nắng phơi sương, và nghĩa dẫn thân hiện nay vẫn dùng là ”thể hiện lòng mình ra”, gần nghĩa với các từ Hán Việt Việt tạo khác là bộc bạch 曝白, bộc trực 曝直. Chữ Nôm có bộ hỏa là vì vậy. Cũng có thể phiên là chuốt với nghĩa “trau chuốt, tu rèn” như TVG, ĐDA, MQL, PL. Nhưng sẽ làm ý thơ lộ, và quan trọng nhất là làm lộ chủ thể phát ngôn. Trong khi, đây là bài vịnh hoa cúc đỏ. Cho nên, ”đốt lòng đan” là tả việc cánh hoa cúc nở bung ra trong tiết thu, phơi màu son đỏ rực rỡ của nó dưới nắng sương, chẳng lấm chút bụi trần. Đặt câu thơ trong cả bài thơ, ta sẽ thấy hình tượng ”phơi lòng đan” nằm trong tổng thể hữu cơ với những tầng biểu tượng xoay quanh hoa cúc. Và đương nhiên, lúc này, ta mới tính đến hàm ý ngôn ngoại của cả bài thơ. Đốt lòng đan chăng bén tục, Bền tiết ngọc kể chi sương. (Cúc 217.3).
mai 梅
dt. <Nho> cây chịu rét, nở hoa vào mùa xuân, màu trắng hay hồng, hoa năm cánh, mùi nồng, quả hình cầu, vị chua. Cây mai là biểu tượng của người quân tử. Cổi tục, chè thường pha nước tuyết, Tìm thanh, khăn tịn nhặt chà mai. (Ngôn chí 2.4, 3.3, 4.1, 7.6, 12.2, 13.4, 16.4, 20.4)‖ (Mạn thuật 23.6, 35.3, 35.3, 46.1)‖ (Thuật hứng 47.7, 49.8, 50.5, 51.4, 60.3, 60.6)‖ (Tự thán 77.4, 81.4, 82.3, 90.3, 97.3, 101.3, 107.4)‖ (Tự thuật 115.4, 118.6, 119.4, 122.6)‖ (Bảo kính 129.3, 143.6, 157.5, 159.3, 164.4, 168.3).